Petrus Trương Vĩnh Ký - nhà Bác học đa năng, nhà ái quốc khả kính

- Trần Ngọc Thạch -

Lúc sau này, và đặc biệt là vào dịp kỷ niệm ngày giỗ đệ bách chu niên (1898-1998) của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, có rất nhiều người viết về nhà bác học lừng danh này, để bày tỏ lòng thương kính và tri ơn của mình.

Chúng tôi thiết nghĩ mọi người đều công nhận rằng Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học lỗi lạc, một thiên tài của đất nước Việt Nam, nhưng rất tiếc, có một số người không thấy nơi tiên sinh một tấm gương ái quốc muôn đời khả kính.

Chúng tôi xin được đóng góp một vài nhận xét về hiền nhân Trương Vĩnh Ký, qua các tiết mục sau đây:

  • Sơ lược tiểu sử.

  • Nhà bác học đa năng

    • Nhà Ngôn ngữ học lừng danh

    • Nhà Thông ngôn với sứ mạng cao cả

    • Nhà Ngoại giao tài đức

    • Nhà Chánh trị chịu nhiều cay đắng

    • Nhà Văn hóa xuất chúng

  • Tấm gương ái quốc

  • Lòng thương kính và tri ơn người tài đức

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ (1837-1898)

Petrus Trương Vĩnh Ký sanh năm 1837, tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Minh, thuộc tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc Bến Tre. Tiên sinh là con thứ ba của quan Lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Thuở nhỏ, Trương Vĩnh Ký đã nổi tiếng là một thần đồng. Mồ côi cha từ năm lên tám tuổi (1845), mồ côi mẹ năm 20 tuổi (1857), cậu bé Petrus Ký đã lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, trong khói lửa điêu tàn của quê hương, để sớm trở thành một nhà bác học về ngôn ngữ lừng danh nhứt của Việt Nam, đồng thời là một danh nhân được nhiều người đương thời trên thế giới thán phục.

Petrus Trương Vĩnh Ký có khả năng thiên phú về ngôn ngữ lại dày công nghiên cứu, sưu tầm, học hỏi, nên đã viết và nói thông thạo nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, La Tinh, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tàu, Lào…ông Pierre Vieillard, trong quyển "Un grand Patriote, Petrus Ky" cho rằng tiên sinh thông thạo đến 15 sinh ngữ và cổ ngữ Âu Châu và 11 sinh ngữ Á Châu. Tài năng vượt bực về ngôn ngữ học đã đem đến cho tiên sinh và cho đất nước Việt Nam một danh dự to lớn: Vào năm 1874 (tiên sinh 37 tuổi) vừa sau khi tiên sinh được phong làm Giáo Sư trường Ngôn Ngữ Á Đông thì thế giới có cuộc tuyển chọn những vị "Toàn Cầu Bác Học Danh Gia (Dix Huit Sommites Culturelles Et Scientifiques Du Monde (1873-74))"; Tiên sinh đã được phong vào một trong số 18 vị bác học lỗi lạc này.

Ông Trương Vĩnh Ký là một người tiền phong trong việc khai sáng nền văn học quốc ngữ. Trong 35 năm cầm bút, tiên sinh đã để lại cho đời 118 tác phẩm lớn nhỏ, thuộc nhiều thể loại, chưa kể những công trình còn dở dang. Ngoài những sách dạy người Pháp và người Việt học tiếng Việt, dạy người Việt học tiếng Pháp, các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký có thể chia ra làm sáu loại:

1. Nghiên cứu về lịch sử, địa lý. 
2. Nghiên cứu các bộ môn trong khoa học xã hội.
3. Biên soạn các tự điển (Tự điển Pháp-Việt, Việt-Pháp, Hán-Việt).
4. Dịch sách chữ Hán như: Tứ Thư, Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám…
5. Sưu tầm và phiên âm các tác phẩm cổ viết bằng chữ Nôm.
6. Sáng tác thơ văn, bút ký.

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký lúc nào cũng thanh liêm, khiêm tốn và hết lòng phục vụ cho quê hương, dân tộc. Tiên sinh mất tại Chợ Quán năm 1898, thọ 62 tuổi.

NHÀ BÁC HỌC ĐA NĂNG

Trong phần này chúng tôi xin được nêu ra vài nhận xét sau đây về Ông Trương Vĩnh Ký :

  • Nhà Ngôn ngữ học lừng danh

  • Nhà Thông ngôn với sứ mạng cao cả

  • Nhà Ngoại giao tài đức

  • Nhà Chánh trị chịu nhiều cay đắng

  • Nhà Văn hóa xuất chúng

Nhà ngôn ngữ học lừng danh

Năm lên 11 tuổi, cậu bé thần đồng Trương Vĩnh Ký mồ côi cha đã thuộc Tứ thư, Ngũ kinh và có đủ khả năng để dự kỳ thi Hương (lấy bằng tú tài). Cũng vào năm này, cậu phải lánh nạn trước sự cấm đạo ngặt nghèo, để đến Nam Vang (thủ đô Cambodia) học ở chủng viện Philna-Lu. Cậu bé đã học giỏi nhứt chủng viện và làm cho mọi người khâm phục.

Nhờ thông minh đặc biệt, nên chẳng bao lâu, chàng thiếu niên họ Trương đã được chủng viện Philna-Lu quyết định gởi qua học ở đại chủng viện Ponolo Penang tại Malaysia. Trong cuộc thi tuyển chọn ba chủng sinh xuất sắc nhứt để gởi qua Malaysia, chàng thiếu niên Việt Nam đã đỗ đầu.

Trong suốt 6 năm học ở đại chủng viện Ponolo Penang (1852-1858), chủng sinh họ Trương lúc nào cũng xuất sắc về mọi môn và nổi tiếng nhứt về hai môn cổ ngữ La tinh và Hy lạp.

Trong một kỳ thi về triết học, viết bằng cổ ngữ La tinh, cậu chủng sinh Petrus Ký đã được vị Toàn Quyền Anh Quốc ở Singapore trao tặng giải thưởng danh dự.

Nhờ có trí thông minh, cộng thêm năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, và nhờ sự chuyên cần học hỏi, nên qua cuộc tiếp xúc với các bạn đồng môn từ nhiều quốc gia Á Châu ở chủng viện Penang và qua những lần xuất ngoại đi Âu Châu, Trung Quốc, học giả Trương Vĩnh Ký đã thông thạo rất nhiều ngôn ngữ Đông Tây, như đã nói trên.

Nhà thông ngôn với sứ mạng cao cả

Nói một cách tổng quát thì công việc thông ngôn (ngày nay gọi là thông dịch) không phải là công việc được giao phó cho một nhà bác học về ngôn ngữ, nhứt là một người lỗi lạc như Trương Vĩnh Ký. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, vai trò của một nhà thông ngôn rất là quan trọng, vì lẽ ngoại xâm Pháp không nói được tiếng Việt và triều đình Huế không nói được tiếng Pháp.

Để binh vực quyền lợi cho nước Việt Nam, Trương Vĩnh Ký phải làm thông ngôn cho Trung Tá Jaureguiberry một thời gian, và sau đó vào năm 1862, phải đi theo phái bộ Simon ra Đà Nẵng—Phái bộ Simon đứng trên tư thế ngang tàng của kẻ dựa vào võ lực, đòi triều đình Huế phải trả cho Pháp khoản nợ 100,000 quan (tiền Pháp). Tiền nợ này phải trả cho cái mà họ gọi là "tỏ lòng tin".

Về phía Việt Nam, tham dự hội nghị có hai đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Trước giặc Pháp bạo ngược, Trương Vĩnh Ký, với tư cách thông ngôn, đã cố gắng, khôn khéo và thành công trong việc giữ quốc thể cho quê hương.

Biện thuyết trước quân xâm lăng chỉ biết dùng võ lực trong công tác điều đình, Trương Vĩnh Ký đã hoàn thành trách nhiệm. Ông đã làm vừa lòng triều đình Huế, đồng thời cũng đã làm cho quân Pháp phải khâm phục về tư cách bình tĩnh, khoan thai và hòa nhã của mình.

Nhà Ngoại giao tài đức

Vì sự khôn khéo và thông minh của Petrus Trương Vĩnh Ký trong tư cách một nhà thông ngôn, nên tiên sinh được đại thần Phan Thanh Giản cảm mến và khâm phục. Do đó, trưởng phái đoàn Phan Thanh Giản đã xin triều đình Huế mời cho được Trương Vĩnh Ký tham dự vào sứ bộ với tư cách thông ngôn, trong việc điều đình với Pháp để chuộc lại 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) mà triều đình Huế bị buộc phải nhượng cho giặc Pháp theo Hiệp ước ký kết ngày 05-06-1862.

Vào năm 1863, trong tư cách thông ngôn, Trương Vĩnh Ký đã tháp tùng sứ bộ Việt Nam sang Pháp. Sứ bộ do triều đình Huế công cử, gồm Hiệp Biện Đại Học Sĩ Phan Thanh Giản làm Chánh Sứ, Lại Bộ Tả Tham tri Phạm Phú Thứ làm Phó Sứ và nhiều nhân vật khác.

Tại cung điện Tuileries, trước mặt Pháp Hoàng, trong không khí cực kỳ trang nghiêm, Petrus Ký đã phiên dịch bài diễn văn của Sứ thần Phan Thanh Giản một cách rành mạch, với lời lẽ vừa văn hoa, vừa chính xác, với thái độ nho nhã, khoan thai, đúng với truyền thống ngoại giao của Tây Phương. Sự kiện này đã làm cho triều đình Pháp vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Như vậy, từ một nhà thông ngôn tháp tùng sứ bộ Việt Nam, Trương Vĩnh Ký đã trở thành một nhà ngoại giao khôn khéo trong bàn hội nghị.

Quan trọng hơn nữa là từ một nhà ngoại giao khôn khéo trong bàn hội nghị Petrus Ký đã trở thành một nhà ngoại giao tài ba đức độ trong chuyến công du. Thật vậy, trong chuyến công du kéo dài tám tháng (đến Marseille 11-09-1863 nhưng phải đợi đến gần hai tháng sau mới vào hội nghị ngày 07-11-1863), Trương Vĩnh Ký đã giúp phái đoàn gặt hái được nhiều kết quả như sau:

  1. Nhờ tài ngoại giao khôn khéo của Trương Vĩnh Ký, sứ bộ Việt Nam đã được chính phủ Tây Ban Nha tiếp đón. Ở tại thủ đô Madrid, Trương đã gây được sự ngạc nhiên và cảm phục của Nữ hoàng Isabelle và triều đình, đồng thời cũng làm cho các Giáo phẩm cao cấp và các giới trí thức Tây Ban Nha khâm phục. Trương Vĩnh Ký đã được trao tặng huân chương cao quý của Nữ hoàng Isabelle. Tiên sinh là người Á Đông đầu tiên được trao tặng huân chương này. Ngoài ra, tiên sinh còn được trao tặng huy trương "La Catholique", được coi là một Bảo Quốc Huân Chương của Tây Ban Nha.

  2. Cũng trong chuyến công du, Trương Vĩnh Ký đã được diện kiến Giáo Hoàng tại La mã. Cũng trong dịp nầy tiên sinh đã có dịp tiếp xúc với một số các nhân vật trọng yếu tại Pháp. Những nhân vật này đã thành bạn hữu của tiên sinh, trong đó có văn hào Victor Hugo, học giả Littré, nhà sử học Ernest Renan, và đặc biệt là ông Paul Bert, một chánh khách nổi danh sau này được bổ nhiệm vào chức vụ Toàn quyền tại Việt Nam.

Khi chúng tôi đưa ra nhận xét: Petrus Ký là một nhà ngoại giao tài đức thì hẳn có một số người cho rằng chúng tôi nói quá đáng, vì lẽ theo quan niệm thông thường, nhứt là theo cái nhìn hiện tại, thì công việc ngoại giao thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ trưởng Ngoại giao, của các vị Đại sứ, không dính dấp gì tới một nhà thông ngôn.

Nhưng nhìn sâu vào hoàn cảnh lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng: Từ nhà thông ngôn tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp, Trương Vĩnh Ký đã trở thành một nhà ngoại giao tài đức vì hai lý do sau đây:

  • Lý do thứ nhất - Trong bàn hội nghị tại điện Tuileries, với vai trò tế nhị và khó khăn của một nhà thông ngôn, Trương Vĩnh Ký đã làm cho triều đình Pháp phải ngạc nhiên và khâm phục. Khâm phục ở đây là khâm phục một nhân tài lỗi lạc, đại diện cho một nước nhỏ đang bị xâm lăng, mà có thái độ khoan dung, bình tĩnh, với lời lẽ nhẹ nhàng chính xác, đúng với truyền thống ngoại giao của Âu Tây. Với thái độ khoan dung, bình tĩnh, với tài hùng biện nằm trong lời lẽ nhẹ nhàng, chính xác, Trương Vĩnh Ký nhứt định không phải đơn thuần là một nhà thông ngôn. Tiên sinh chính là một nhà ngoại giao tài đức vậy.

  • Lý do thứ hai - Tháp tùng sứ bộ Việt Nam trong tám tháng công du, Trương Vĩnh Ký đã khôn khéo lợi dụng thời cơ, và nhờ vào uy thế của mình - Uy thế của một nhà bác học - để tiếp xúc từ Giáo hoàng tại Rome đến Nữ Hoàng Isabelle, rồi đến nhiều nhân vật quan trọng khác với mục đích giúp cho họ hiểu được hoàn cảnh của nước Việt nam, để họ cóù thiện cảm và đem đến lợi lạc cho Việt Nam. Tiên sinh đã thành công trong những cuộc tiếp xúc này: ông được huy chương của Nữ Hoàng Isabelle; những nhân vật quan trọng đã trở thành bạn hữu của ông. Một người tháp tùng sứ bộ Việt Nam với tư cách thông ngôn mà thực hiện được cái trọng trách, không phải của một thông ngôn, mà của một thiện tri thức như vậy, theo thiển ý phải là một nhà ngoại giao tài đức.

Trở về Việt Nam ngày 18-03-1864, nhà ngoại giao Petrus Ký lại tiếp tục nhiệm vụ thông ngôn ở soái phủ Nam Kỳ.

Ông được giao thêm nhiệm vụ phiên dịch tài liệu cho tờ báo Pháp ngữ "Le Courrier de Sai Gon", đồng thời làm trợ bút tờ Gia Định Báo, sau này trở thành chủ bút.

Sau một thời gian làm Giáo Sư Trường Thông Ngôn, tiên sinh đã được bổ nhiệm làm giám đốc trường này.

Nhà chánh trị chịu nhiều cay đắng

Một nhà bác học lỗi lạc như Trương Vĩnh Ký lẽ ra không tham gia chánh trị, nhưng tiên sinh phải chịu nhiều cay đắng trong chính trường, vì lẽ:

  • Việt Nam lâm vào tình trạng chiến tranh bi đát. Trước tình trạng này, tiên sinh không thể làm ngơ.

  • Triều đình Huế, cũng như người Pháp và đặc biệt là Toàn Quyền Paul Bert cần sự giúp đỡ của tiên sinh.

  • Với đức độ của một nhà bác học đa năng, tiên sinh nhận thấy mình cần phải làm cái gạch nối giữa triều đình Huế và người Pháp (theo yêu cầu khẩn khiết của Paul Bert).

Như đã trình bày trên đây, tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản đi sứ ở Pháp vào năm 1863, trong 8 tháng công du, tiên sinh có dịp tiếp xúc với nhiều nhân vật quan trọng: Victor Hugo, Littré, E. Renan, Paul Bert.

Paul Bert là một chính khách nổi danh đã hết lòng khâm phục Trương Vĩnh Ký. Hai người đã trở thành bạn thân với nhau. Là một người tài, Paul Bert đã từng làm Bác Sĩ, Giáo Sư Đại Học Khoa học ở Bordeaux và Paris. Ông đã hoạt động chánh trị và trở thành Bộ Trưởng Giáo Dục và Nghị Sĩ trong Quốc hội Pháp.

Tiên sinh Trương Vĩnh Ký đã cộng tác với Paul Bert vì ông này có tinh thần nhân bản cho nên khi được bổ nhiệm chức vụ Toàn Quyền, Paul Bert chủ trương: Đối với Triều đình Huế, Pháp chỉ giữ vai trò bảo hộ và chỉ cai trị qua Hoàng Đế An Nam và các giới sĩ phu. Ngoài ra Paul Bert cũng là người Pháp đầu tiên tổ chức nền giáo dục của Pháp tại Việt Nam.

Cảm phục tài năng và đức độ của Trương Vĩnh Ký, nên trên đường từ Pháp đến Huế, Paul Bert đã đích thân ghé Sài Gòn tìm tiên sinh và mời tiên sinh làm gạch nối giữa triều đình Huế và người Pháp.

Thật ra, thì Trương Vĩnh Ký đã phải tham gia chánh trị ngay từ khi làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản đi sứ ở Pháp vào năm 1863, vì với tư cách thông ngôn, Petrus Ký đã trở thành một nhà ngoại giao (như đã trình bày). Tuy nhiên cái giai đoạn gặp nhiều khó khăn nhứt và chịu nhiều cay đắng nhứt của nhà chánh trị Petrus Ký là cái giai đoạn tiên sinh làm gạch nối giữa Pháp-Việt (Vua Đồng Khánh và Toàn quyền Paul Bert)

Gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều cay đắng vì lẽ:

  1. Một đàng, triều đình Huế, cũng như một số sĩ phu, chủ trương yêu nước phải là:

    • Đánh đuổi Tây ra khỏi xứ;

    • Bất bang giao;

    • Bế quan tỏa cảng; và

    • Cấm đạo triệt để

  2. Đằng khác, người Pháp, dù có tiếp xúc, có bang giao qua Thông ngôn Petrus Ký nhưng thật ra, các cuộc bang giao này cũng như lần tiếp đón Sứ Bộ Phan Thanh Giản, chỉ là hình thức bên ngoài, trong lúc thật sự họ đã chủ mưu:

    Bề ngoài thơn thớt nói cười,
    Mà trong nhứt định giết người bằng thần công

    Hiền nhân Petrus Ký đã gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều cay đắng vì lẽ:

    • Triều đình Huế chống Tây mà tiên sinh làm việc với Tây.

    • Triều đình Huế cấm đạo mà tiên sinh là người Thiên Chúa ngoan đạo.

    • Triều đình và hầu hết các sĩ phu phản kháng việc dùng chữ Quốc ngữ mà tiên sinh là nhà văn hóa tiên phong, một giáo sư đầu tiên góp phần tích cực vào việc phát huy văn hóa dân tộc phát triển chữ Quốc ngữ và dạy Quốc ngữ cho người Việt và cho cả người Pháp.

    • Trong lúc triều đình Huế và đa số sĩ phu muốn duy trì bút lông để vẽ "Thiên-trời, Địa-đất", thì tiên sinh nhứt định phổ thông hóa việc dùng bút thép để cải tạo dân sinh theo đà tiến hóa của khoa học và kỹ thuật Tây Phương.

Những người chỉ trích Petrus Trương Vĩnh Ký đã quên rằng: Triều đình Huế cần Petrus Ký trong việc bang giao với người Pháp, thì tiên sinh hiển nhiên phải "đi với Tây". Họ đã quên rằng nhà chánh trị Petrus Ký đã dứt khoát chủ trương:

"Đi với họ mà không lệ thuộc họ". Họ đã quên rằng Trương Vĩnh Ký là một người suốt đời sống khiêm tốn và thanh liêm, một người tài cao đức rộng, thừa sức để tạo cho mình một địa vị cao sang, mà suốt đời không bao giờ mưu cầu danh lợi.

Trái lại, tiên sinh luôn luôn mặc quốc phục với áo dài khăn đóng đoan trang, trong khi tiếp xúc với người Pháp trong nước cũng như ngoài nước, để giữ thể diện và tạo uy tín cho quốc gia.

Họ đã quên rằng có những học trò ở Trường Thông ngôn nhờ biết tiếng Pháp mà được bổ nhiệm đến chức Tri Huyện, Tri Phủ, trong lúc nhà bác học lỗi lạc Petrus Ký, Giám đốc của Trường Thông ngôn này, thì sống cuộc đời đạm bạc của một thiện tri thức.

Họ đã quên rằng có nhiều nhân vật quan trọng người Pháp vì khâm phục tài đức của Trương Vĩnh Ký nên đã khuyến khích tiên sinh "vô dân Tây" (nhập quốc tịch Pháp), nhưng tiên sinh đã dứt khoát từ chối, trong lúc biết bao nhiêu người khác tìm đủ cách mà vô dân Tây để hưởng nhiều lợi lộc.

Họ đã quên rằng, tuy Petrus Trương Vĩnh Ký là một người Thiên Chúa ngoan đạo, đã lánh nạn cấm đạo từ lúc lên 11 tuổi (đi học ở chủng viện tại Nam Vang) mà vẫn cộng tác đắc lực với người cấm đạo (triều đình Huế), và dành hết thì giờ, vận dụng hết khả năng để phục vụ dân tộc trong lúc "Quốc phá Gia vong".

Họ đã quên những gì cần phải nhớ và họ cố tình quên như vậy để rồi, đứng ngoài vòng đau khổ của dân tộc, trong cuộc chiến tranh bi đát, họ nghênh ngang chỉ trích.

Tệ hơn nữa, có kẻ không cần quên, không cần nhớ, chỉ đứng ngoài vòng đạo lý mà bóp méo lịch sử, mà xuyên tạc sự thật và cho rằng tiên sinh Petrus Ký đã làm tình báo cho giặc Pháp.

Nhờ có những cơ hội xuất ngoại, nhà chánh trị Trương Vĩnh Ký đã thấy rõ cái tân tiến của khoa học và kỹ thuật Tây phương, nên đã tìm mọi cách thuyết phục triều đình Huế nhằm cải thiện đời sống của nhân dân. Nhưng triều đình và các sĩ phu không bao giờ chịu tin, không bao giờ chịu nghe. Tiên sinh Petrus Ký hẳn là bạn tri âm của cụ Phan Thanh Giản khi quan trọng thần họ Phan phải than thở:

Từ ngày đi sứ tới Tây kinh 
Thấy việc Âu Châu phải giật mình 
Kêu tỉnh đồng bang mau kíp bước 
Hết lời năn nỉ, chẳng ai tin. 

Trong Nội San Thu Đông tháng 11/98 của "Hội Ái Hữu Trung Học Trương Vĩnh Ký, Paris", ông Bùi Khắc Khương có viết như sau:

"Sự cộng tác đầy hứa hẹn giữa Paul Bert và Petrus Ký kết thúc nhanh chóng bởi cái chết đột ngột của Paul Bert ngày 11-11-1886, chín tháng sau khi ông đặt chân lên đất nước An Nam. Viên Công Sứ Bắc Kỳ Paulin Vial, tạm quyền thay ông, đã từng chống đối đường lối của ông trước đây. Ông (Paul Bert) có lần than thở với Petrus Ký : "Người dưới quyền (Paulin Vial) bên cạnh gây khó khăn cho tôi". Biết rõ như vậy, Petrus Ký tuyên bố với Paulin Vial rằng nhiệm vụ tạm thời của ông tại Huế đã mãn sau khi Paul Bert qua đời".

Trương Vĩnh Ký từ giã vua Đồng Khánh và lui về đất Nam kỳ, để đứng ngoài vòng chính trị và tiếp tục công trình văn hóa. Nhưng lúc bấy giờ viên chức thay thế Paul Bert là Noel Pardon đã gởi thư xin tiên sinh cho biết ý kiến cụ thể về những cải cách cần thực hiện để đáp ứng với tình hình trong nước. Trong thư phúc đáp, tiên sinh cho biết: Đối với việc cai trị 13 tỉnh Bắc Kỳ, nên cử quan viên An Nam ở đầu mỗi tỉnh để cộng tác với viên công sứ Pháp, để tránh việc cai trị trực tiếp của Pháp, vì việc cai trị trực tiếp này làm chạm tự ái dân tộc.

Từ giã triều đình Huế để trở về Sài Gòn, Petrus Ký tiên sinh đã được vua Đồng Khánh:

  • Ban Kim Khánh Bội Tinh và

  • Chức hàm Lễ Bộ Thượng Thư

(theo Trương Vĩnh Lễ- Việt Nam, où est la vérité ?)

Thật ra, nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã suốt đời sống khiêm tốn, thanh liêm, không màng danh lợi. Cái mà tiên sinh cần và theo đuổi suốt đời là:

  • Làm thế nào cho dân bớt chết và bớt khổ trong chiến tranh và

  • Làm thế nào để phát huy văn hóa, phổ thông hóa Quốc ngữ và giúp cho dân cải thiện đời sống theo đà tiến hoá rất nhanh của khoa học và kỹ thuật Tây phương.

Nhà văn hoá xuất chúng

Chúng tôi xin trình bày vắn tắt những nét tiêu biểu văn hóa nơi Trương Vĩnh Ký. Trước hết, tiên sinh là một nhà văn hóa xuất chúng trên cương vị:

  • Một nhà ngôn ngữ học lỗi lạc, đồng thời là nhà văn để lại cho đời 118 tác phẩm lớn nhỏ thuộc nhiều thể loại, chưa kể những công trình còn dở dang.

  • Một người tiên phong trong ngành báo chí. Tờ Gia Định Báo là tờ báo Việt ngữ đầu tiên do tiên sinh làm chủ bút với sự cộng tác của các nhà văn Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký. Ngoài ra, tiên sinh còn là chủ biên tờ "Thông Loại Khóa Trình". Đây là tờ Nguyệt San (Thông Loại Khóa Trình, chữ Hán, có nghĩa là tạp văn).

  • Giám đốc trường Thông ngôn (Collège des Interprètes). Và Giám đốc Trường Sư phạm (Ecole Normale). Ngoài ra, tiên sinh còn là Giáo sư Hán văn và Quốc văn trường Hậu Bổ (Ecole des Stagiaires) nơi đào tạo các quan lại cho Nam kỳ thuộc địa.

Điều quan trọng nhứt mà chúng ta cần thấy nơi tiên sinh Trương Vĩnh Ký và cần biết để kính phục tiên sinh là: Petrus Ký là một nhà cách mạng văn hóa.

Cách mạng có nghĩa là thay thế cái cũ lỗi thời bằng cái mới tốt đẹp và thích nghi. Chúng tôi thiết nghĩ, ở vào hoàn cảnh nước Việt Nam, thời Trương Vĩnh Ký, công tác cách mạng văn hóa tốt đẹp và thích nghi nhứt là thay thế và sửa đổi những điều cần thiết để phát huy nền văn hóa dân tộc khả dĩ cải tiến dân sinh, xóa nạn mù chữ và nâng cao dân trí. Đây là điều mà tiên sinh đã làm.

Trong lúc triều đình Huế và các sĩ phu theo vết người xưa, lệ thuộc vào chữ Hán, ôm chặt cái học khoa bảng, từ chương, thì Trương Vĩnh Ký, dù là nhà Hán học uyên thâm, một nhà Hán học tiếp tục dạy chữ Hán (ở trường Hậu Bổ), nhưng không phổ thông hóa nền văn học chữ Hán. Trái lại, tiên sinh đã đứng trên cương vị một nhà cách mạng văn hóa, quyết định dứt khoát phát triển nền văn học bằng Quốc ngữ và quảng bá Quốc ngữ trong dân gian. Vì sao quyết định dứt khoát này là một hành vi cách mạng văn hóa?

Xin đáp, vì các lẽ sau đây:

  • Thứ nhứt: Dân tộc Việt nam có tiếng nói riêng của mình thì cần phải có chữ viết khi đọc lên thành tiếng nói của mình, tiếng Việt Nam. Chữ Hán là chữ Trung Hoa, khi đọc lên thành tiếng Hán chớ không phải tiếng Việt.

  • Thứ hai: Lệ thuộc vào chữ Hán với nền văn học từ chương, khoa bảng, là thoái hóa trước trào lưu tiến hóa.

  • Thứ ba: Chữ Hán rất khó học và không thể nào phổ thông hóa trong dân gian.

  • Thứ tư: Quốc ngữ, không những thập phần dễ học hơn chữ Hán, mà Quốc Ngữ chính là tiếng nói của người Việt Nam.

Như vậy, nếu không phát huy văn hóa dân tộc, không phát triển nền văn học Quốc ngữ, không phổ thông hóa Quốc ngữ trong dân gian, thì hiển nhiên không thể tránh được những tệ hại khôn lường sau đây:

  • Tệ hại thứ nhứt: Duy trì nạn mù chữ khủng khiếp trong dân gian.

  • Tệ hại thứ hai: Không cải thiện được đời sống tinh thần trong dân gian, vì đại đa số thất học, mù chữ, thì đương nhiên đời sống tinh thần rất thấp, dân trí rất thấp.

  • Tệ hại thứ ba: Với chữ Hán rất khó học, với cái học từ chương của một thiểu số (rất ít) chỉ biết theo vết người xưa, chạy theo khoa bảng, thì hiển nhiên đi ngược trào lưu tiến hóa của khoa học và kỹ thuật.

Chúng ta tôn kính và khâm phục nhà đại cách mạng văn hóa, nhà cách mạng tiên phong về văn hóa Việt Nam, Petrus Trương Vĩnh Ký, không phải chỉ vì tiên sinh đã thấy rõ điều cần phải thấy, không phải chỉ vì tiên sinh dám nói lên cái chủ trương dứt khoát của mình, mà chính vì và nhứt là tiên sinh một khi đã thấy, đã có chủ trương dứt khoát thì dấn thân thực hiện và thực hiện cho bằng được chủ trương của mình, qua những trọng trách sau đây:

  • Trọng trách của một nhà ngôn ngữ học lỗi lạc.

  • Trọng trách của một nhà giáo, một nhà thông ngôn dạy chữ Việt và chữ Pháp cho cả người Việt và người Pháp. Petrus Ký không những chỉ làm cái gạch nối về chánh trị giữa người Việt và người Pháp, tiên sinh còn làm cái gạch nối về văn hóa giữa người Việt và người Pháp.

  • Trọng trách của một nhà làm báo tiên phong. Tờ Gia Định Báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Số một ra mắt tại Sài Gòn ngày 16-04-1865. Lúc đầu, Gia Định Báo chỉ là một công báo, gồm vỏn vẹn 4 trang, của nhà cầm quyền thực dân Pháp. Sau đó, tờ báo gồm hai phần:

    • 4 trang dành cho công báo

    • 16 trang đa dạng gồm có tiểu luận về lịch sử, thơ phú. Các tài liệu về văn hóa trở nên quan trọng.

Tờ Gia Định báo được phát hành, ngoài mục đích thông tin, còn có mục đích phổ thông hóa Quốc ngữ và dạy Quốc ngữ trong dân gian. Với những mục đích cao cả này, việc phát hành tờ báo phải tốn kém, nhưng tờ báo được…phát không đến các xã, các trường.

  • Trọng trách của một nhà văn thiên phú. Trong số 118 tác phẩm lớn, nhỏ thuộc nhiều thể loại (chưa kể những công trình còn dở dang), chúng ta nhận thấy:

    • Có những sách giáo khoa như: Vần Quốc ngữ. Mẹo Luật tiếng An Nam, Địa Dư Nam Kỳ, Sử Ký An nam, Nam Quốc tự thoại, Ngôn ngữ Tổng giải ( cowes de littérature annamite), các sách dạy tiếng Pha Lang Sa.

    • Có những sách viết bằng lối văn vui và dễ hiểu nhằm giáo dục luân lý như: Cờ Bạc Nha Phiến, Mẹ Dạy Con, Thơ Dạy Làm Dâu, Nữ Tắc (bổn phận của phái nữ), Chuyện Đời Xưa, Kiếp Phong Trần, Thạnh Suy Bỉ Thới Phú…Chuyện Khôi Hài, Lục Súc Tranh Công, Phan Trần Truyện…

  • Ngoài ra, tiên sinh Petrus Ký còn phiên dịch nhiều tác phẩm chữ Nôm và chữ Hán rất nổi tiếng như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Huấn Nông Ca, Tam Thiên Tự, Tứ Thư (trọn bộ), Minh Tâm Bửu Giám…

Nói về chữ Nôm, thì theo thiển ý, chúng ta có hai điểm cần ghi nhớ sau đây:

  • Thứ nhứt: Chữ Nôm phát xuất từ cái gốc chữ Hán. Chữ Nôm rất là khó học và không thể nào phổ thông hóa trong dân gian.

  • Thứ hai: Vị lương sư thức thời Petrus Ký đã dứt khoát không dạy và phát triển chữ Nôm. Cái thái độ khả kính của tiên sinh là tuy không dạy và phát triển chữ Nôm, nhưng bỏ nhiều thời gian và công sức để sưu tầm và phiên âm những tác phẩm chữ Nôm danh tiếng ra chữ Quốc Ngữ, nhằm quảng bá những tác phẩm này và giáo dục quần chúng.

Hoàn thành những trọng trách nêu trên về: ngôn ngữ học, văn học, báo chí, giáo dục, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước, hiền nhân Trương Vĩnh Ký quả thật là một lương sư hưng quốc của quê hương ngàn năm đau khổ.

TẤM GƯƠNG ÁI QUỐC

Tấm lòng ái quốc muôn đời khả kính của Trương Vĩnh Ký được chúng ta thấy rõ qua:

  • Các công trình to tát của tiên sinh về ngôn ngữ học, về văn học.

  • Việc thực thi những trọng trách của nhà thông ngôn, nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà giáo, nhà báo Việt ngữ đầu tiên, nhà tiên phong trong công cuộc cách mạng văn hóa.

Tấm lòng ái quốc đó còn được thấy rõ hơn, nếu chúng ta nhìn sâu vào cuộc đời thanh liêm, khiêm tốn của một nhà bác học lỗi lạc, mồ côi cha từ lúc lên tám tuổi, suốt đời hy sinh cho quê hương dân tộc trong hoàn cảnh đau thương của chiến tranh.

Tấm lòng ái quốc đó cũng được thấy rõ nơi nhà chánh trị Trương Vĩnh Ký với bao nhiêu khó khăn, cay đắng trong nhiệm vụ làm gạch nối giữa Pháp và Việt Nam.

Tấm lòng ái quốc đó cũng được thấy rõ qua thái độ cương quyết của nhà cách mạng văn hóa, với chủ trương dứt khoát: dạy Quốc Ngữ cho người Việt và quảng bá Quốc Ngữ trong dân gian.

Tiên sinh là một nhà cách mạng văn hóa, đồng thời là một lương sư lúc nào cũng nghĩ đến việc hưng quốc trên hai phương diện:

  • Trên phương diện đạo đức, tiên sinh chủ trương duy trì truyền thống tốt đẹp của nền luân lý Á Đông.

  • Trên phương diện canh tân, tiên sinh dứt khoát phải thay thế, sửa đổi những cái không thích hợp và phải áp dụng khoa học tiến bộ của Tây phương vào việc cải tiến dân sinh.

Tinh thần bảo tồn cái cần bảo tồn và phát triển cái cần phát triển của Petrus Ký được giáo sư Ưng Thiều diễn tả bằng hai câu đối chữ Hán:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt 
Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Hai câu đối trên đây đã được khắc vào cổng trường Petrus Ký và có nghĩa là:

  • Ghi khắc vào xương cốt cái cương thường của Khổng Mạnh để tu tập.

  • Ghi khắc vào tâm não cái khoa học của Âu Tây để tiến bộ.

(Chữ "Minh" trong "Minh tâm" có nghĩa là ghi khắc. Vậy "Minh Tâm" là ghi khắc vào tim)

Nói một cách khác, hai câu đối diễn đạt ý chí của Petrus Ký cần được hiểu như sau: Vận dụng hết tâm trí để tu hành theo cương thường đạo lý của Khổng Mạnh, đồng thời cũng vận dụng hết tâm trí để học và áp dụng khoa học tiến bộ của Tây Âu.

LÒNG THƯƠNG KÍNH VÀ TRI ÂN NGƯỜI TÀI ĐỨC

Trước đây, khi còn là học sinh trường trung học Petrus Ký, chúng tôi đã nhiều lần nhìn ngắm tượng của tiên sinh ở sân trường. Lúc bấy giờ, tuy biết rất ít về Petrus Trương Vĩnh Ký, nhưng chúng tôi vẫn cảm mến và kính phục một thiên tài của đất nước.

Ngày nay, đã 46 năm trôi qua, kể từ ngày chúng tôi rời khỏi ngôi trường Petrus Ký thân thương, chúng tôi không còn là một thanh niên thời xa xưa và không còn được ngắm nhìn, không còn được chiêm ngưỡng tôn tượng của hiền nhân (được đặt ở sân truờng trước đây, bây giờ không còn nữa). Nhưng, với tuổi đời chồng chất, sau bao nhiêu biến đổi thăng trầm, sau bao nhiêu tang tóc điêu linh, chúng tôi có khả năng nhìn thật sâu để thấy rõ và cảm thông với tiền nhân Petrus Trương Vĩnh Ký. Chúng tôi có khả năng theo dõi từng bước chân của tiên sinh, một người theo Thiên Chúa, ngoan đạo, đã không mặc áo nhà tu trong cơn Quốc phá gia vong. Chúng tôi có khả năng theo dõi từng bước chân của nhà bác học lỗi lạc, suốt đời cậm cụi làm việc, sống thanh liêm, khiêm tốn, luôn luôn trong bộ áo dài khăn đóng, để thực thi trách nhiệm nặng nề trong nhiều lãnh vực khác nhau: ngôn ngữ, văn học, thông ngôn, giáo dục, chánh trị, ngoại giao, văn hóa.

Dù thời gian đã trôi qua với bao nhiêu thăng trầm biến đổi, dù có phải xa cách quê hương thống khổ sau cuộc đổi đời, chúng tôi không bao giờ quên được ngôi trường thân thương Petrus Ký, ngôi trường đã đào tạo không biết bao nhiêu nhân tài hiện đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Mà còn nhớ ngôi trường Petrus Ký thì còn nhớ hiền nhân Petrus Ký. Còn nhớ hiền nhân Petrus Ký thì còn thương quê hương dân tộc và còn muốn đóng góp vào việc xây dựng quê hương.

Lúc sau này, chúng tôi vô cùng sung sướng và hãnh diện, vì nơi đất khách, chúng tôi được làm một thành viên trong đại gia đình với nhiều lớp tuổi khác nhau, đang sống trong tình huynh đệ khắn khít: Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký, Úc Châu.

Non cao biển rộng tuy có ngăn cách, nhưng bằng tình thương, gia đình Petrus Ký Úc Châu vẫn sống gần gũi với những gia đình Petrus Ký ở Việt Nam, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Canada…

Với niềm sung sướng và hãnh diện được sống trong đại gia đình Petrus Ký có mặt khắp nơi, chúng tôi hết lòng ngưỡng mộ và biết ơn hiền nhân Petrus Ký, và hết lòng thương mến ngôi trường đã và nhứt định sẽ mãi mãi mang tên bậc thiên tài của đất nước.

Với niềm thương kính và tri ân, hơn bao giờ hết, chúng tôi thấy mình đang sống gần gũi với ngôi trường, với tiền nhân, với đất nước:

Mái trường che chở tình huynh đệ 
Ngọn bút trao truyền nghĩa tổ tiên 
Thương nhớ hiền nhân Petrus Ký 
Về nguồn dân tộc sống trung kiên 

Sydney, Mùa Đông năm 1999

Trần Ngọc Thạch

Tài liệu tham khảo

1. Giáo sư Nguyễn Văn Trung: Trương Vĩnh Ký, Nhà văn hóa, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1993.

2. Hoài Anh: Trương Vĩnh Ký, Người có công khai sáng văn học Quốc ngữ, Tạp Chí văn, số 84 tháng 10/1998.

3. Nguyễn Quang Tuyến: Kỷ niệm đệ bách chu niên của nhà bác học Trương Vĩnh Ký.

4. Cao Thế Dung: Trương Vĩnh Ký, Thân thế và hành trang, Dân Chúa Úc Châu, tháng 9/1998.

5. Vũ Ký: Trương Vĩnh Ký, Nhà thông thái và nhà giáo dục, Diễn văn đọc trong buổi lễ "Tưởng nhớ Trương Vĩnh Ký" ngày 02-08-1973 tại Sài Gòn.

6. Minh Hiến: Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký, Nhân Dịp Kỷ Niệm giỗ 100 năm.

7. Huy Lữ: Nhà Bác học Trương Vĩnh Ký. Một đóa sen thơm.

8. Hồ Hữu Tường: Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký, tạp chí Bách Khoa, 1974.

9. Bùi Khắc Khương: Một trăm năm trước đây, một nhà cách mạng lừng danh lìa bỏ cõi trần, Petrus Trương Vĩnh Ký, Đặc San Thu Đông của Hội Ái Hữu Trung Học Trương Vĩnh Ký, Paris, tháng 11/98.

10. Nguyễn Văn Trấn: Giỗ Trương Vĩnh Ký (1837-1898) (Bản thảo chưa được xuất bản)


   

Thông báo:

DHPK Banner PK 2022